Tư vấn - Giải pháp

Tin vào dữ liệu hay tin vào con người?

Có nhiều cách phân loại nhà quản trị doanh nghiệp, trong đó cách được giới thiệu trong một bài báo đăng trên tạp chí SHRM năm 2011, do tác giả Trish Gorman Clifford – chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp thích ứng với các chiến lược nhằm giải quyết các vấn đề của họ nêu ra rất đáng để chúng ta tham khảo.

Bà cho rằng có hai kiểu nhà quản trị: kiểu thứ nhất thích dùng các công cụ phân tích dữ liệu để ra quyết định và hành động, kiểu thứ hai thiên về sử dụng con người trong công việc. Có thể hiểu tóm tắt ý tưởng của tác giả như sau: “Có rất nhiều quan điểm khác nhau về các công cụ chiến lược. Một số nhà quản trị áp dụng một cách thoải mái các công cụ và các khuôn khổ công việc (framework) và họ tin rằng phân tích của họ sẽ chỉ ra một lộ trình sáng sủa cho doanh nghiệp. Ngược lại, có những nhà quản trị lại tin là các công cụ như vậy sẽ làm phân tán tư tưởng nên chỉ nhìn vào những con người cụ thể đang làm việc với họ”.

 
 
Nếu là nhà quản trị, bạn nghĩ mình thuộc loại nào? Liệu cách quản trị theo kiểu thiên về phân tích dữ liệu hay cách quản trị thiên về con người hợp lý hơn?
 
Tác giả Trish Gorman Clifford cho rằng khi bạn chọn theo hướng trước tiên là xem xét con người, sau đó mới là các tính toán định hướng cho doanh nghiệp rồi khuyến khích đội ngũ nhân viên làm theo sự phân công của bạn thì tập thể nhân viên sẽ là lợi thế cạnh tranh mà bạn nhắm tới. Còn nếu bạn chọn theo hướng phân tích dựa vào dữ liệu thì thông tin là lợi thế cạnh tranh mà bạn muốn có được.
 
Trong một số trường hợp, việc phân tích dữ liệu tốt bù đắp được sự yếu kém của đội ngũ nhân viên còn thiếu kỹ năng, nhưng dần dà nhà quản trị bị thiên về sử dụng các công cụ, không biết phát huy năng lực của các nhân viên dưới quyền. Ở nhiều trường hợp khác, nếu lực lượng nhân viên biết sáng tạo, biết làm cho các hoạt động của doanh nghiệp mang tính cạnh tranh cao thì nhà quản trị bị họ lôi cuốn nên thường bỏ qua các công cụ phân tích dữ liệu, hậu quả là hướng đi của doanh nghiệp có thể bị thiên lệch, không hoàn hảo. Như vậy, tối ưu nhất là làm sao phối hợp hài hòa cả hai cách nói trên.
 
Để làm được điều đó, các nhà quản trị nên tự xem xét lại bản thân, tự đánh giá mình thiên về kiểu quản trị nào. Cần vượt ra khỏi cách nghĩ đơn giản rằng cứ ai chuyên sâu về tài chính thì thích phân tích, còn ai chuyên về nhân sự thì ưa tính đến con người.
 
Nếu thấy mình thiên về phân tích dữ liệu, bạn hãy cảnh giác với suy nghĩ ép các nhân viên dưới quyền phải rập khuôn nhau như một cái máy. Kể ra, khi nhân viên cùng một mẫu như được dập từ một khuôn đúc sẽ tạo ra kết quả công việc ổn định hơn, nhưng tính đồng nhất ấy lại làm tiêu tan năng lực sáng tạo và niềm say mê ở nhân viên.
 
Nếu là nhà quản trị thiên về con người, bạn nên xem xét, đánh giá lại tác dụng của các công cụ. Khi bạn chọn được một số công cụ hiệu nghiệm và áp dụng chúng trong công việc thì chắc chắn hiệu quả công việc của bạn sẽ cao hơn hẳn trước đây.
 
Tóm lại, công việc quản trị luôn cần bạn biết kết hợp hài hòa giữa sử dụng con người và phân tích dữ liệu. Bạn không thể bỏ qua các công cụ phân tích trong các hoạt động hằng ngày tại doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu bạn rèn luyện cho đội ngũ nhân viên dưới quyền cũng sử dụng được các công cụ để giải quyết các vấn đề ở tầm mức của từng người thì họ sẽ tiết kiệm được nhiều sức lực và thời gian hơn, làm việc hiệu quả hơn và nhờ đó, doanh nghiệp cũng thành công hơn. Thậm chí, nhiều nhân viên còn cảm thấy có thêm nhiều công cụ phân tích hơn nữa.
 
TRƯƠNG CHÍ DŨNG, Giám đốc R&D, Công ty Le&Associates
doanhnhansaigon.vn