Bớt nhất thời, thêm bền vững
Trong khó khăn, doanh nghiệp (DN) phải cấu trúc lại hoạt động, giảm số khách hàng nhưng đồng thời cũng phải phục vụ tốt hơn những khách hàng hiện tại. Bài học kinh doanh kinh điển này mang thông điệp “Làm tốt hơn những điều đang làm” và cũng là giải pháp cho mọi tình huống trong năm 2013 đầy thách thức.
Mặc dù lãi suất ngân hàng đã giảm đến sáu lần trong năm 2012, kéo mức lãi suất từ 14% đầu năm xuống 9%/năm, song các ngân hàng vẫn vắng khách. Nguyên nhân một phần là do các doanh nghiệp (DN) không dám vay vốn để kinh doanh. Đa số các DN đều bi quan về triển vọng nền kinh tế năm 2013 nên đã co cụm không dám mở rộng đầu tư mới, thậm chí thu hẹp, còn người tiêu dùng cũng tằn tiện trong chi tiêu...
Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng đình trệ trong sản xuất, kinh doanh. Con số 54.000 DN đóng cửa và giải thể trong năm 2012 cao bất thường và đáng báo động, chứ không đơn giản chỉ là hoạt động đào thải của thị trường.
Vậy mới thấy, thời gian qua, các gói giải pháp hỗ trợ DN chưa đủ và chưa được thực hiện một cách đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho DN. Trên thực tế, có những giải pháp đúng nhưng không thực hiện đúng các cam kết của các văn bản chính sách. Hay đúng như các DN nhận xét “chính sách hiện nay chưa đi vào cuộc sống”.
Chẳng hạn, nợ xấu đã được bàn nhiều nhưng nhiều biện pháp đã bàn đến nay vẫn chưa được thực hiện. Hàng tồn kho vấn đề đau đầu của các DN cũng không có những giải pháp hữu hiệu, trong khi kích cầu tiêu dùng cũng không. Việc giảm lãi suất đã được nhiều chuyên gia đề cập vào thời điểm nóng bỏng nhất khi lãi suất lên đến 20% thì đến nay tuy có giảm nhưng DN vẫn chưa tiếp cận được. Giãn thuế thu nhập DN, thuế VAT chỉ hỗ trợ được phần nào những DN đang tồn tại.
Khi được hỏi, đa số các DN đều không đưa ra được một điểm sáng nào để vạch ra chiến lược dài hạn trong năm tới. Từ thời làm ăn “cứ làm đi” nhanh chóng nắm mọi cơ hội kiếm tiền, thì nay DN buộc phải chuyển sang giai đoạn mới “làm thế nào” cho hiệu quả nhất. Nhiều DN đã tập trung vào các lĩnh vực mình có thế mạnh nhất, từ bỏ những lĩnh vực có thể có lời trước mắt nhưng nhiều rủi ro và không thuộc sở trường của mình.
Cũng nhiều DN tập trung củng cố thị trường trong nước, kể cả thị trường nông thôn. Một số có năng lực tốt thì tập trung cải thiện công nghệ, đi vào tự động hoá... Với DN hiện nay chỉ có thể trông đợi vào hai lĩnh vực: tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư của khối ngoại (tức là khoản vốn FDI và FII) trong năm 2013.
Ở lĩnh vực thứ nhất, DN đang khá quan tâm đến thị trường các nước trong khu vực, nổi bật nhất là Myanmar, số lượng doanh nghiệp tìm đến Myanmar năm 2012 tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2011, trong đó, không chỉ có DN Việt Nam mà cả DN nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng quan tâm thăm hỏi về thị trường Myanmar.
Trước mắt, nhiều DN cũng quan tâm đến thương mại, chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm từ Myanmar, như gỗ, lâm sản, khoáng sản, thủy sản. Về xuất khẩu, cũng có công ty trong nước muốn đưa máy móc, công nghệ hiện có của Việt Nam sang thị trường này để đầu tư khu công nghiệp, nhà máy...
Dù đã có nhiều điều kiện mở, nhưng khi quyết định đầu tư sang thị trường này, DN trong nước cũng cần cẩn trọng vì một số rào cản về kinh tế vẫn còn. Chẳng hạn, Myanmar vẫn còn phải làm rất nhiều việc để cải thiện thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh, giá điện còn cao, giá bất động sản tại đây cũng đang tăng liên tục qua các năm...
Ở lĩnh vực thứ hai, khi nền kinh tế khó khăn, sự khả thi của nguồn vốn ngoại là chỗ dựa tốt cho các DN bản địa. Theo ước tính, dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, cả vốn đầu tư trực tiếp lẫn qua các thương vụ mua bán và sáp nhập sẽ vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam, bất chấp những khó khăn được dự đoán đang chờ đợi trong năm 2013. Cụ thể, dòng vốn đầu tư từ các DN trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ khá mạnh, nhằm tận dụng những lợi thế về chi phí còn tương đối thấp ở Việt Nam, đồng thời đón đầu cơ hội khối thị trường chung ASEAN vào năm 2015.
Theo đó, các doanh nhân từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Thái Lan hay Singapore sẽ tiếp tục rót vốn vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, và các khoản đầu tư sẽ đa dạng, chứ không chỉ có các khoản đầu tư lớn. Người Mỹ cũng sẽ đến để đón đầu Hiệp định Xuyên thái Bình Dương (TPP), cho dù các vòng đàm phán vẫn chưa kết thúc. Tương tự, các DN châu Âu sẽ không bỏ lỡ cơ hội của Hiệp định FTA Việt Nam – EU...
Đặc biệt, các DN có thể chào đón một làn sóng đầu tư mạnh được trông đợi nhất đến từ Nhật Bản, nơi mà trong năm vừa qua, nguồn vốn từ đất nước này đã dẫn đầu trong tổng vốn FDI ở Việt Nam, chiếm hơn 40% trong số hơn 10 tỷ USD giải ngân năm 2012. Các nhà đầu tư Nhật Bản đang có nhiều hoạt động thâm nhập thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, bán lẻ, hàng tiêu dùng, thực phẩm... và hướng tới hợp tác lâu dài cũng như thực hiện chiến lược mua bán - sáp nhập (M&A). Mới nhất là thương vụ Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ mua lại 20% cổ phần chiến lược của Ngân hàng Công Thương Việt Nam, trị giá 743 triệu USD, khép lại một năm 2012 đầy vất vả.
Tuy nhiên, các DN phải thật tỉnh táo với những khoản đầu tư này. Không quá bi quan về những trường hợp M&A, tốt nhưng nếu M&A tràn lan trong thế yếu và khó khăn kéo dài của các DN Việt Nam thì đến một lúc nào đó DN Việt Nam có thể bị thôn tính. Hiện tại, giới quan sát nhận thấy đang có một làn sóng các công ty Nhật Bản nhờ các DN Việt Nam gia công sản xuất hoặc liên doanh với các DN lớn trong nước để cho ra đời sản phẩm mới.
Tuy nhiên, rất có thể, sau một thời gian, khi thị trường đã đủ lớn và quen với sản phẩm, các DN này sẽ hoạt động độc lập, và khi đó, DN trong nước sẽ trở tay không kịp và đánh mất thị trường. Nếu không cẩn trọng, sau vài năm nữa các công ty nước ngoài thâu tóm hầu hết các DN trong nước, quy mô vừa hoặc lớn trong nước, lúc đó chúng ta sẽ còn gì của Việt Nam?
Nguy cơ này đang quá rõ vì như đã nói, các công ty nước ngoài không chỉ tham gia vào một vài ngành nghề lớn mà hiện nay có nhiều công ty còn đến tận nông thôn để thu gom nguồn nguyên liệu, nông sản... tổ chức sản xuất dây chuyền khép kín. Mối nguy này còn do những giải pháp căn cơ để khôi phục bình ổn kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước như tái cơ cấu nền kinh tế vẫn chưa được triển khai một cách mạnh mẽ và đồng bộ, và các DN Việt vẫn tiếp tục liêu xiêu.
Tất cả những khó khăn chưa được giải quyết trong năm 2012 đang trở thành tiền đề của năm 2013, từ đó có thể thấy môi trường kinh doanh của năm sau còn rất nhiều thách thức. Tuy nhiên, cuộc sàng lọc khắc nghiệt này càng làm sáng lên “sứ mệnh” của DN: Hãy theo đuổi sự nghiệp lâu dài với những lý do đúng đắn, theo con đường đúng đắn, hãy bớt những hành vi nhất thời và thêm những hành vi bền vững. Hãy trở lại những điều cốt lõi của kinh doanh như lấy khách hàng làm trung tâm, cạnh tranh bằng chất lượng, năng suất lao động, liên kết trong chuỗi cung ứng, thực hiện trách nhiệm xã hội...
Chuyên gia kinh tế cao cấp PHẠM CHI LAN
doanhnhansaigon.vn